Bí quyết vượt qua vòng phỏng vấn tại công ty IT Nhật
Các công ty Nhật luôn coi trọng phỏng vấn khi tuyển dụng ứng viên nên đây là cửa ải khó nhất mà bạn cần vượt qua. Đặc điểm của người Nhật là rất chi tiết nên việc chuẩn bị của bạn cũng cần phải hết sức cẩn thận. Rõ ràng là học thuộc lòng những câu trả lời thì không đủ, nhưng khâu chuẩn bị quyết định tới 80% thành công của bạn. Hãy cùng Talenta tìm hiểu bí quyết phỏng vấn.
1. Biết mình biết người
Đầu tiên là việc tìm hiểu về doanh nghiệp. Hãy xem thật kỹ trang chủ của doanh nghiệp, search thông tin về doanh nghiệp đó trên truyền thông, ghi chép lại thông tin về giá trị cốt lõi, nội dung hoạt động và văn hoá của doanh nghiệp. Việc hiểu về doanh nghiệp không chỉ giúp bạn có thể trả lời thuyết phục lý do bạn ứng tuyển mà còn giúp bạn có được những câu hỏi sắc sảo về doanh nghiệp đó. Đưa ra những câu hỏi thích hợp trong khi phỏng vấn sau khi giới thiệu thông tin hay nhận định của bạn về doanh nghiệp sẽ giúp bạn nhận được ấn tượng tốt đẹp từ phía tuyển dụng.
Tiếp theo, cần tìm hiểu về chính mình. Đây là việc tưởng như đơn giản nên nhiều người vẫn thường chủ quan không làm nghiêm túc. Hãy thử phân tích ưu điểm, nhược điểm, xu hướng tính cách và bạn sẽ bất ngờ vì mình chỉ có thể diễn đạt quá ít về chính mình nếu đột nhiên bị hỏi. Người Nhật sẽ không thấy hài lòng nếu bạn chỉ đơn giản nói rằng bạn có năng lực học nhanh những kỹ thuật mới nhưng lại không đưa ra được chứng cứ nào về việc bạn từng tự học một kỹ thuật nào đó và có được kết quả cụ thể trong quá khứ. Người Nhật thực dụng, họ không coi trọng những kiến thức không mang lại kết quả cụ thể. Viết hời hợt sở thích là đọc sách nhưng khi được yêu cầu tóm tắt nội dung của cuốn sách đọc gần đây nhất mà không trả lời được cũng tương tự như vậy, sẽ làm bạn mất điểm. Hãy ghi lại những giai thoại trong quá khứ của bạn để kể khi được hỏi. Những câu chuyện đó không chỉ hấp dẫn vì nó sống động và mang đậm dấu ấn của cá nhân bạn mà còn là cách gián tiếp để bạn quảng cáo về những ưu điểm của chính mình, một cách khéo léo. Người Nhật rất thích thú với cách trình bày gián tiếp như vậy. Ví dụ, hãy tập kể về cách bạn vượt qua một khó khăn nào đó trong quá khứ để truyền đi thông điệp bạn là một người có ý chí, hay kể về điều khiến bạn say mê nhất để cho thấy nhiệt tình và năng lượng trong bạn. Kể về một thất bại và bài học mà bạn đã học được để rồi từ đó gặt hái thành công cũng sẽ được người Nhật đánh giá cao vì họ luôn coi trọng thái độ nghiêm túc và cầu tiến. Và nếu câu chuyện có chút dí dỏm và bất ngờ thì hiệu quả sẽ vô cùng cao.
2. Chính xác và trung thực
Điểm người phỏng vấn chú ý nhất là quá trình học tập và làm việc của bạn. Trong hồ sơ, hãy viết lại chi tiết quá trình này theo trục thời gian (với các dự án thì thường cần viết theo thứ tự ngược, nghĩa là dự án gần nhất lên đầu tiên). Hãy làm sao để người phỏng vấn có thể rà soát trôi chảy được toàn bộ những việc bạn đã từng làm mà không bị “vấp” khi đọc hồ sơ.
Với những dự án mà bạn đã tham gia, đừng chỉ viết thông tin chung về dự án mà cần có cả công việc mà bạn đã đảm nhiệm và cả những gì bạn đã học được qua dự án đó. Không phải bằng cấp mà chính các kinh nghiệm thực tế này của bạn là phần mà công ty Nhật chú trọng.
Sau khi viết, tập trình bày về từng dự án theo 3 mức thời gian: ngắn, trung bình, dài. Tuỳ tình huống câu hỏi mà chọn cách trả lời theo 3 mức thời gian đó. Nếu người hỏi muốn bạn trả lời ngắn gọn nhưng bạn lại quá chi tiết theo kịch bản dài, họ sẽ không kiên trì lắng nghe bạn đến cuối.
Và hãy trung thực khi trả lời. Những gì chưa làm, chưa biết thì trả lời đúng như vậy nhưng thêm vào việc bạn sẵn sàng học hỏi. Bạn không cần phải thổi phồng chính mình vì bên tuyển dụng cũng không kỳ vọng bạn làm được hết mọi việc. Bị phát hiện không trung thực thì bạn không có mấy cơ hội để được tuyển dụng. Nó tựa như một thứ “điểm liệt” khi phỏng vấn.
3. Tự tin và không cầu toàn
Rõ ràng phỏng vấn là hình thức hội thoại đòi hỏi năng lực tiếng Nhật cao do bạn phải hiểu và ứng phó tức thời. Luyện tập giúp bạn lưu loát hơn và luyện càng nhiều càng tốt. Nhưng khi vào phỏng vấn, đừng quá để ý tìm cách chau chuốt cho thật chuẩn chỉ tiếng Nhật. Nếu vì thế mà bạn ngắc ngứ, mất tự tin thì ấn tượng sẽ xấu đi. Quan trọng hơn là nội dung. Một chút sai ngữ pháp không thành vấn đề vì người nghe sẽ vẫn hiểu bạn, và đây mới là điều quan trọng nhất.
Khi không hiểu câu hỏi thì đừng cố trả lời. Hãy hỏi lại để đảm bảo nắm chắc nội dung câu hỏi. Và đừng cố kéo dài câu trả lời, nhét vào quá nhiều nội dung. Chuẩn bị tốt rồi thì khi phỏng vấn cố gắng trả lời gãy gọn, đúng vào câu hỏi. Không dài dòng giải thích trước khi đi vào nội dung chính. Càng dài dòng, khả năng sai càng cao, càng dễ bị lúng túng. Khi sai và lúng túng dễ mất bình tĩnh và câu trả lời ngày càng xa với câu hỏi. Trường hợp này bạn dễ bị đánh giá là không hiểu câu hỏi, không có tư duy mạch lạc.
===============
Lần đầu tại Việt Nam – Bootcamp tiếng Nhật IT
Con đường NGẮN NHẤT để trở thành kỹ sư cầu nối thực thụ.
Đăng ký: https://m.me/talenta.vn?ref=course_registration